Năm 2020, với Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/10 hằng năm đã trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt với nguồn nhân lực lao động kỹ năng nói riêng và lĩnh vực GDNN nói riêng khi mà giá trị của kỹ năng lao động được ghi nhận, được khẳng định và tôn vinh.

 

       Lịch sử, ý nghĩa Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10

        Lý do đề xuất ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Liên Hợp Quốc ngày càng quan tâm đến đề cao vai trò, tôn vinh người lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động trẻ. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 15 tháng 7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới kể từ năm 2014. Hằng năm, một số nước trên thế giới tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia và Tuần lễ kỹ năng quốc gia như nước Úc tổ chức Tuần lễ Kỹ năng quốc gia (National Skills Week), nước Anh tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia (National Skills Day).

Đồng thời, vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)  xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trong trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.

Việt Nam đã tham gia Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills International), với 84 tổ chức thành viên từ trên 60 quốc gia, trong đó có nhiều nước phát triển. Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, trong đó khuyến khích tổ chức các hoạt động và sự kiện để kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Vai trò, giá trị của lực lượng lao động và trình độ kỹ năng của người lao động đã được Tổ chức này công nhận thể hiện qua các thông điệp sau: “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.

Việt Nam đã có những ngày kỷ niệm để tôn vinh người lao động trong một số lĩnh vực ngành, nghề như: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2); Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6); Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Hằng năm, Việt Nam cũng tổ chức các sự kiện tôn vinh người lao động nói chung nhân Ngày Quốc tế lao động (1/5). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có một ngày cụ thể tôn vinh kỹ năng lao động ở tất cả các lĩnh vực ngành, nghề. Do đó, việc có “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” là hết sức cần thiết vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới.

         Mục đích, ý nghĩa của ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 01/10/2020 về việc lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam.

Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam có các mục đích sau:

– Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15 tháng 7) đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2014. Đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước hưởng ứng và đồng tình ủng hộ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp bằng hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia;

– Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, đặc biệt là người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc;

– Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ngoài các mục đích nêu trên, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam còn thể hiện sự đề cao vai trò, giá trị, tầm quan trọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trong thời kỳ mới phù hợp với Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc “Giai cấp công nhân là chủ thể của phương thức sản xuất công nghiệp với các đặc tính: công cụ lao động là máy móc, năng suất lao động cao, lao động có tính chất xã hội hóa cao và gợi mở nhiều giải pháp tích cực cho quá trình phát triển xã hội. Chính từ quá trình sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp, giai cấp công nhân được xác định là giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thông qua đó, chuẩn bị những tiền đề vật chất cho xã hội tương lai”.

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam còn góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện chủ trương, quan điểm của Ban Bí thư về phát triển kỹ năng lao động. Ban Bí thư đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó mục tiêu cụ thể xác định: “Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp”; và Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phát triển kỹ năng nghề.

Qua Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhắc nhở các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển kỹ năng cho người lao động.

         Cơ sở của việc chọn ngày 4/10 là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ về công nhận ngày 04 tháng 10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” với các lý do chính sau:

– Ngày 04/10 gắn với 2 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên “Báo Cứu quốc” số 45 ngày 04/10/1945 là: “Chống nạn thất học” và “Thiếu óc tổ chức – một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”. Các bài viết này tuy không đề cập trực tiếp đến vấn đề kỹ năng lao động nhưng Người lại đưa ra yêu cầu nền tảng đối với việc hình thành kỹ năng đó là dân trí và phương pháp làm việc.

– Ngày 04/10 gần với ngày 09/10/1969 là ngày kỷ niệm thành lập Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động, nay là Tổng cục GDNN thuộc Bộ LĐ-TB&XH

– Ngày 04/10 gần với ngày sinh của Lý Triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không (sinh ngày 14/10/1065) là ông tổ của nghề đúc đồng và nghề đông y của Việt Nam, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn trong văn hóa Việt Nam.

Việc chọn “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” trong tháng 10 phù hợp với thời điểm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai nhiều hoạt động của năm học mới. Mặt khác, trong văn hóa Việt Nam, tháng 10 luôn gắn với ý nghĩa về sự đầy đủ, thịnh vượng; tháng 10 là tháng biểu trưng cho sự gặt hái thành quả của lao động./.

Nguồn: CTTĐTCP

Tổng hợp: Nghĩa Đặng.

 

ĐĂNG KÝ ĐÁNH GIÁ , CẤP CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA:

 

Liên hệ
Họ & Tên
Họ & Tên
Họ
Tên