Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thống nhất lấy ngày 15/7 hằng năm là Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới (World Youth Skills Day), nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò thiết yếu của việc phát triển kỹ năng cho thanh niên – lực lượng then chốt trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng biến động và quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ, sự kiện này ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, năm 2025, với chủ đề “Trao quyền cho thanh niên thông qua AI và kỹ năng số, Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới càng khẳng định tầm quan trọng của việc trang bị năng lực công nghệ, khả năng thích ứng và tư duy đổi mới cho thế hệ trẻ.

 

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng, kỹ năng nghề không còn chỉ là năng lực thao tác kỹ thuật đơn thuần, mà mở rộng ra cả kỹ năng số, kỹ năng mềm, tư duy phản biện và học tập suốt đời. Các tổ chức quốc tế như UNESCO, ILO hay Liên Hợp Quốc đều nhấn mạnh vai trò của các kỹ năng toàn diện này trong việc giúp thanh niên thích nghi với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng khắt khe về yêu cầu năng lực.

 

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, lực lượng lao động đang có nhiều dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế. Theo Thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2025, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,1 triệu người, tăng 169,8 nghìn người so với quý trước và tăng 553,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, số người có việc làm đạt 52,0 triệu người, tăng 138,6 nghìn người so với quý trước và tăng 544,1 nghìn người so với cùng kỳ.

 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữ ổn định ở mức 68,2%, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đối mặt với những thách thức không nhỏ. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II năm 2025 là 799,2 nghìn người, chiếm 1,73%, phản ánh thực trạng còn nhiều lao động phải làm công việc tạm thời, không ổn định hoặc dưới trình độ chuyên môn.

 

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 15-24 tuổi lên đến 8,19%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý trước và 0,18 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lo ngại, thể hiện rõ sự mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, số lao động phi chính thức (nhóm không có hợp đồng lao động và ít được bảo vệ về pháp lý) vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn, với 33,0 triệu người, tương đương 63,5% tổng số lao động có việc làm trong quý II năm 2025.

 

Những con số này cho thấy thị trường lao động Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch nhưng còn thiếu tính ổn định và thiếu lực lượng lao động chất lượng cao có khả năng làm việc trong môi trường công nghệ.

 

AI và kỹ năng số – chìa khóa để thanh niên tự tin hội nhập

Trong thời đại mà AI và tự động hóa thay đổi nhanh chóng cách chúng ta làm việc, một số ngành nghề truyền thống đang dần bị thay thế, trong khi nhiều nghề mới ra đời với yêu cầu cao về kỹ năng công nghệ. Chính vì vậy, kỹ năng số, quản trị dữ liệu, tư duy logic, giao tiếp kỹ thuật số và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để thanh niên có thể hội nhập một cách chủ động vào thị trường việc làm cạnh tranh.

 

Việt Nam nhận thức rõ điều đó và đã phản hồi nhanh qua các chương trình cải cách đào tạo nghề, tiếp tục đào tạo lại (reskilling) và nâng cao kỹ năng (upskilling) cho lực lượng lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong đó, nổi bật nhất là “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 2222/QĐ‑TTg ngày 30/12/2021 nhằm đưa công nghệ vào mọi ngóc ngách của đào tạo nghề nghiệp, tiến tới giáo dục nghề hiện đại và linh hoạt hơn.

 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bắt tay vào chuyển đổi kỹ thuật số trong quản lý, đào tạo và đánh giá. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2024, hệ thống dữ liệu giáo dục đã số hóa hơn 24,55 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên và cán bộ; thí điểm học bạ số với 11.400 trường tiểu học trên tổng số 14.663 trường tiểu học trên toàn quốc (đạt tỷ lệ 77,75%); đang mở rộng dần sang văn bằng điện tử.

 

Ngoài ra, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số không chỉ là từ điển mà còn là thực chiến, nhiều mô hình đào tạo tích hợp công nghệ như e‑learning, thực hành VR/AR, phòng lab hiện đại được áp dụng; các trường, trung tâm đã phối hợp với doanh nghiệp để thiết kế chương trình sát nhu cầu thực tế .

 

Mục tiêu rõ ràng là trang bị cho thanh niên kỹ năng số thiết yếu, từ sử dụng AI, phân tích dữ liệu, lập trình đến an ninh mạng và tư duy sáng tạo. Đây chính là nền tảng để thế hệ trẻ có thể làm chủ công nghệ, tự tin đối mặt với thách thức của thị trường lao động toàn cầu và trở thành lực lượng lao động chất lượng cao giúp Việt Nam tiến nhanh trên lộ trình kinh tế số và xã hội số.

 

Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 15/7 không chỉ là dịp để tôn vinh vai trò của thanh niên trong phát triển quốc gia, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng đầu tư vào kỹ năng chính là đầu tư cho tương lai. Khi thanh niên được trang bị đầy đủ kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số và năng lực ứng dụng AI, họ không chỉ có thể tìm được việc làm tốt hơn, mà còn trở thành lực lượng tiên phong kiến tạo những thay đổi tích cực trong nền kinh tế – xã hội.

 

Chào mừng Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 15/7/2025 – hãy cùng hành động để trao quyền, truyền cảm hứng và mở ra tương lai bền vững cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại số.

TT ĐTTNCXH – Lan Anh